Cách đấu nối đẩy công suất với các thiết bị âm thanh khác

Written by

Admin

Follow us

Nhắc đến cục đẩy công suất, ít nhiều khi tìm hiểu về âm thanh chúng ta đều đã từng nghe qua rồi. Nhưng có thể chưa biết rõ về cách sử dụng đấu nối chúng với loa như thế nào cho hợp lý.

PHẦN 1: GIỚI THIỆU VỀ CỤC ĐẨY.

Đầu tiên cục đẩy công suất về cơ bản cũng giống như âm ly là bộ phận khuếch đại công suất để đưa ra loa. Khác biệt cơ bản nhất là cục đẩy có công suất lớn hơn nhiều so với âm ly. Và nhắc đến cục đẩy chúng ta thường hình dung ra chúng nặng nề to bản hơn âm ly. Điều này có thể đúng có thể không đúng, chúng ta cùng tìm hiểu tại sao nhé. Để có thể khuếch đại công suất lớn đồng nghĩa mạch công suất trong cục đẩy phải khỏe, phải nhiều sò (tranzitor công suất) nhưng điều quan trọng là có mạch công suất lớn thì phải có nguồn nuôi lớn. Vậy nguồn nuôi mạch công suất trong cục đẩy là gì? Có 2 loại nguồn nuôi đó là nguồn biến áp xuyến và nguồn xung.

Với cục đẩy sử dụng nguồn biến áp xuyến thì sẽ nặng và cục đẩy sử dụng nguồn xung thì nhẹ. Đây là giải thích cho việc cục đẩy có công suất lớn nhưng không nhất thiết sẽ nặng.

Tiếp theo là tìm tiểu về sò và ảnh hưởng của sò đối với công suất của cục đẩy. Nhiều người khi đi mua amply, cục đẩy thường có thói quen đếm sò để so sánh cái nào chất lượng hơn, công suất lớn hơn. Điều này cũng đúng nhưng không hoàn toàn, vậy tại sao lại không đúng hoàn toàn chúng ta lại cùng tìm hiểu nhé.

Ở đây chúng ta sẽ đi xét về các loại sò thường sử dụng trong amply, cục đẩy. Có 2 loại thông dụng nhất đó là sò thường (BJT) và sò mosfet (IGBT). Với BJT thì điển hình là các cặp B688/D718, A1943/C5200,A2223/C6145, NJW0203G,0281G.. Với mosfet thường hay sử dụng là 40N25, 59N30, 120N30.. hay có mặt trong các dòng cục đẩy cao cấp công suất lớn như PQM13. Xét ở góc độ giá cả và công suất thì mosfet đắt hơn công suất lớn hơn. Ví dụ như 59N30 công suất là 500w, trong khi a1943 công suất là 150w theo alldatasheet.com. Đây là một phần giải thích cho việc đếm sò nhiều hơn thì công suất lớn hơn thì đúng nhưng chưa hoàn toàn.Lý do tiếp theo là công nghệ sản xuất amply cục đẩy ngày càng tiên tiến và đa dạng, có nhiều công nghệ nhiều chuẩn như công nghệ class A, class B, class AB, class D, class I.. Để so sánh rạch ròi từng công nghệ thì rất phức tạp, ở đây chúng ta so sánh 2 vấn đề chính đó là hiệu suất và độ trung thực của âm thanh ( tỷ lệ đáp ứng tần số đầu ra so với đầu vào).- Hiệu suất (Efficiency) và độ trung thực của âm thanh (Linearity).

Với chuẩn class A thì hiệu suất khoảng 20% ví dụ 100w đưa vào thì có khoảng 20w đưa ra loa còn 80w còn lại sinh ra nhiệt đây cũng là lí do làm nặng thêm amply cục đẩy do cần các tấm tản nhiệt to. Bù lại hiệu suất thấp thì độ trung thực của class A lại cao ( ít bị méo tiếng so với âm thanh ban đầu).

Với chuẩn class B thì hiệu suất cao khoảng 70%, công suất tiêu hao ít khoảng 30% nên sinh ra ít nhiệt hơn, tấm tản nhiệt bé hơn. Tuy nhiên chất âm lại không trung thực, ít khi được sử dụng vào các loại amply, cục đẩy cao cấp.

Với chuẩn class AB thì là sự kết hợp giữa 2 chuẩn A và B, tạo ra hiệu suất cao hơn A và âm thanh ít bị méo hơn B.

Đây chính là lý do còn lại giải thích cho việc đếm sò để so sánh công suất của amply cục đẩy không hoàn toàn đúng. Nhiều sò nhưng hiệu suất không cao thì công suất ra loa vẫn thấp. Ví dụ đơn giản nhất là bóng đèn led siêu sáng 20w sẽ cho ra ánh sáng tốt hơn bóng đèn sợi đốt 60w, do bóng đèn sợi đốt mất quá nhiều điện năng tiêu hao thành nhiệt.

PHẦN 2: CÁCH ĐẤU NỐI

Mặt phía sau cục đẩy bao giờ cũng có 2 phần. Phần tín hiệu đầu vào (input) và tín hiệu đã được khuếch đại đưa ra loa ( out put).

Đa số các cục đẩy đều dùng cổng tín hiệu vào là jack canon đực.

Các tùy chọn:

Ground: Có 2 chế độ tiếp mass cho thiết bị hoặc không. Sensitivity: Độ nhạy đầu vào, khi tín hiệu đầu vào đạt giá trị này thì cục đẩy sẽ phát hết công suất.

Thường sau amply cục đẩy sẽ có các giá trị 0,775v-1,0v-1,44v. Ví dụ khi tín hiệu đầu vào đạt ngưỡng 0,775v trong khi amply cục đẩy đang để sensitivity ở 0,775v thì amply cục đẩy có thể phát ra công suất tối đa khi vặn volume tối đa, trường hợp sensitivity đang để 1,44v mà tín hiệu đầu vào chỉ đến ngưỡng 0,775v thì vặn max volume ở amply cục đẩy nó cũng chưa ra được công suất tối đa của nó.

Limiter: Giới hạn công suất đầu ra tránh tình trạng công suất ra quá lớn gây cháy loa. Thường thì chỉ bật chế độ này khi lai ghép từ amply, mixer cơ sang cục đẩy, còn từ vang số sang cục đẩy thì không cần vì vang số có đặt giới hạn rồi. Mode: Có 3 chế độ Parallel, Stereo, Bridge.

Parallel: áp dụng khi mình có 1-2 đường tín hiệu vào và muốn có 2 hoặc 4 đường tín hiệu ra. Nói dễ hiểu hơn thì ở chế độ này nó sẽ đấu song song đầu vào của kênh 1 với 2, kênh 3 với 4.

Stereo : Chế độ này là chế độ hay dùng nhất, tức là tín hiệu vào kênh nào thì ra kênh đó. Ví dụ từ vang số ra 4 đường Right, left, sub, center cắm lần lượt vào đẩy là CH1,2,3,4 thì tín hiệu đầu ra kênh CH1,2,3,4 cũng là Right, left, sub, center.

Bridge: Chế độ này thường sử dụng khi cần công suất đầu ra lớn ví dụ như cần để đánh Sub kép.

Lưu ý ở chế độ này có thể hiểu như cộng dồn công suất của 2 kênh để đánh cho 1 loa. Và chúng ta không nối vào các cọc dương âm của từng kênh như bình thường mà sẽ nhìn ký hiệu Bridge trên phần output để nối.